Đạt IELTS 6.5 trong 2 tháng luyện thi (Phần 3)

Xin chào tất cả các bạn. Có được nền tiếng Anh cực kì vững chắc rồi ( nghe đạt đến trình độ phân biệt cả giọng Anh, Úc, Mỹ ; đọc thì không những hiểu hết mà còn có thể làm phiên dịch từng chữ một cả 1 văn bản dài chục trang A4 cho người ta để kiếm tiền ; viết thì văn chương lai láng, câu cú phong phú, từ vựng chính xác, vở sạch chữ đẹp ;)) ; nói bắn hơn cả gió, không những chuẩn không cần chỉnh mà tốc độ còn hơn cả Michael Schumacher của F1 =)) ) ; vậy tại sao cánh cổng 6.5 , 7.0 hay 7.5 lại vẫn đóng sập với những nhân tài như vậy ?

Phải chăng là do các bạn quá ngây thơ với những câu hỏi mang tính đánh đố của kì thi, hay do các bạn quá tự tin vào trình độ bản thân mình đến nỗi không chuẩn bị hành trang gì hay cũng có thể là do các bạn sơ suất trong quá trình làm bài chăng? Rất hi vọng qua bài viết  Đạt IELTS 6.5 trong 2 tháng luyện thi (Phần 3) này sẽ góp phần làm nên nguyên liệu cho chiếc chìa khóa mở ra cánh cổng thép trên.

Phần 3 : Những chiến thuật khi làm bài thi IELTS

Guy reading

Để hâm nóng phần ba này ngay từ những dòng chữ đầu tiên, Hướng Nghiệp xin mở đầu bằng một câu hỏi muôn thuở, có thể coi như là một mối bận tâm lớn trong lòng của các bạn khi chuẩn bị đăng kí : “Nên thi IELTS ở IDP hay Hội đồng Anh?” (hay một phiên bản khác của câu này là “”Có phải giám khảo ở IDP chấm dễ hơn HĐA?” và ngược lại). Sau đây là 1 vài câu trả lời điển hình nhất.

_ Em thi ở IDP à ? Sao em không thi ở HĐA ? Em mà thi ở HĐA chắc điểm còn cao hơn đấy, chứ không chỉ 6.5 như thế này đâu. 

_ Thật thế à chị ? ( giả bộ há hốc mồm )

_ Ừ, chị thấy nhiều đứa bạn của chị thi ở HĐA điểm cao lắm .

Theo như 1 chị năm hai bên Đại học Ngoại thương, hôm nọ mình nói chuyện với chị :

_ Thế bạn chị thi ở đâu ?

_ Chúng nó thì hầu hết đều thi ở HĐA cả. Nhưng bây giờ nghe chúng nó bảo là đang định chuyển sang IDP, sợ HĐA rồi .

_ Tại sao thế hả chị ? (cũng giả bộ trố mắt nhìn :-o)

_ Tại vì giám khảo ở đó chấm khó em ạ.

Lại theo như của 1 bạn đã từng chia sẻ trên tường của hội : “Ở IDP chấm nói dễ như chấm viết lại khó, ở HĐA chấm viết dễ nhưng chấm nói lại đắt.”  

dat-ielts-6-5-trong-2-thang-luyen-thi-phan-3

Chia sẻ với các bạn một vài câu chuyện để làm gì? Để cho các bạn thấy rằng tất cả những cái đó chỉ là để tham khảo, hoặc là để giải trí cho đỡ buồn cũng được (thật ra nghe thì rối với quạu thêm chứ giải trí gì :-j ) chứ các bạn không nên để đầu óc bận tâm đến những thông tin sáo rỗng, không có cơ sở trên ; các bạn chỉ cần tập trung vào việc học và chuẩn bị vững về sức khỏe, tâm lí trước khi thi. Cho dù là HĐA hay IDP thì việc họ cần làm đó là đánh giá khả năng Anh ngữ của bạn 1 cách trung thực, công bằng và trình độ của bạn như thế nào thì sẽ được phản ánh chính xác thông qua điểm số bạn đạt được, chứ không hề phụ thuộc vào cách chấm của IDP hay HĐA cả bởi vì họ chỉ làm đúng phận sự của mình thôi.

Một loại câu hỏi khác cũng gần tương tự như trên : “Thi IELTS có nên chọn cùng ngày thi với Tổng quát (General) hay không?” Có nhiều bạn hay nghĩ như thế này : “Đừng chọn ngày thi cùng ngày với Tổng quát. 2 dạng này thi chung Nghe và Nói, vì thế nếu thi cùng ngày thì phần Nghe sẽ dễ hơn, tuy nhiên phần Đọc sẽ khó hơn.” 

Hướng Nghiệp xin trả lời rằng: Không có chuyện đó đâu nhé, đó chỉ là tin đồn và chỉ là sự phỏng đoán, tưởng tượng của các bạn thôi. Bạn nào tìm được nguồn thông tin trên Cambridge ESOL hay IDP hay HĐA nói rằng nếu thi cùng ngày với Tổng quát thì ra đề nghe dễ, đọc khó và ngược lại thì khi đó Hướng Nghiệp mới sẵn sàng tin lời bạn. Cho dù là thi vào ngày nào đi chăng nữa thì họ vẫn phải kiểm tra trình độ tiếng Anh của bạn và công nhận nó trên tiêu chuẩn Quốc tế, vì thế khả năng sử dụng ngôn ngữ của bạn như thế nào thì chắc chắn bạn sẽ nhận được kết quả đúng với sức lực của mình, công bằng và chính xác. Thời gian các bạn để ý mấy chuyện linh tinh đấy thà các bạn học, ôn thi hay … đi ngủ còn tốt hơn.

Nói tóm lại, qua 2 câu hỏi trên Hướng Nghiệp muốn nhấn mạnh với các bạn 1 điều: Hãy tự tin vào chính bản thân các bạn Những thủ thuật, những chiến thuật sau đây hi vọng có thể có ích cho các bạn.

1. Nghe – Listening

dat-ielts-6-5-trong-2-thang-luyen-thi-phan-3 (8)

Đây là kĩ năng đầu tiên mà các bạn sẽ chạm trán khi chinh phục đề thi IELTS vì vậy nếu như làm tốt phần này thì tinh thần để trường kì kháng chiến sẽ dâng lên rất nhiều ở những giây phút tiếp theo.

Ngay khi tờ giấy đề thi được phát ra và có yêu cầu mở đề thì các bạn hãy đọc lướt qua thật nhanh tất cả các câu hỏi và cố gắng dự đoán các câu trả lời có thể của câu hỏi đó, ví dụ như thông tin về tuổi của 1 học sinh cấp 3 thì tuy không thể biết chính xác nhưng cũng có thể đoán là khoảng chừng 15, 16 chứ không thể nào 51 hay 61 được :-j ; nếu không thì chí ít cũng phải đoán được đấy là loại từ gì ( danh từ, tính từ, động từ hay mạo từ, đại từ hay thậm chí là con số ) và tất nhiên là phải dùng suy luận của mình để đoán 1 cách hợp lí.

Việc đoán này lợi thế là sẽ giúp bạn khoanh vùng được câu trả lời xuống và dễ dàng lựa chọn được đáp án đúng hơn. Ví dụ: bạn nghe được người ta giới thiệu thông tin về một người mẫu đi thi hoa hậu, nghe đến đoạn người ta giới thiệu về chiều cao của chị ấy, nhưng bạn lại không nghe ra là “ one meter seventy “ hay “ one meter seventeen “ thì bạn cũng có thể – bằng logic mà khẳng định rằng : chả có con chân dài nào đi làm hoa hậu mà lại “xê vần tin” cả =)) , chỉ có thể là “xê vần ti” thôi vì vậy bạn cứ “ 1m70 “ mà “ giã “ vào đáp án .

1 loại câu hỏi nữa : Làm thế nào để biết khi nào cần thêm “s”? Tập nghe số ít số nhiều, cái này là căn bản nhất. Đoán khi nghe, nếu có a/an thì sẽ là số ít, không có thì khả năng là số nhiều. Kết hợp đoán ý với thông tin trong bài điền, sẽ tìm ra cái hợp lí hơn; ví dụ khi nói đến nhiều thứ tương tự nhau thì khả năng sẽ đều là số ít hoặc đều là số nhiều.

dat-ielts-6-5-trong-2-thang-luyen-thi-phan-3 (2)

Khi các bạn không nghe được 1 câu nào đó thì tất nhiên hãy mạnh dạn bỏ qua mà nghe câu khác chứ đừng có cố bám lấy nó mà bỏ lỡ các câu tiếp theo. 1 lời khuyên nữa đó là các bạn hãy tập trung nghe hết toàn bộ cả bài chứ đừng nên nghĩ là qua câu hỏi cuối cùng là thôi nghỉ, khỏi nghe bởi vì sẽ có một số trường hợp người ta lặp lại đáp án cho câu hỏi trước đó mà bạn bị lỡ đấy nhé.

1 điều nữa, đó là cái tập đề thi họ phát cho các bạn mà làm thẳng vào đấy thực ra chỉ là tờ nháp, khi các bạn chuyển tất cả đáp án sang tờ giấy làm bài thì tờ giấy làm bài mới được chấm điểm. Vì vậy không nhất thiết các bạn phải nắn nót hay ngây thơ viết đúng chính tả từng chữ làm gì cho mất thời gian mà lại lỡ câu tiếp theo, các bạn có thể dùng một vài cách viết tắt rất thông dụng ví dụ như sau: sth ( something ), abt ( about ) , 800k ( 800,000 ) , 8/3/1977 ( 8th March , 1977 ) , w/ ( with ) , pls ( please ), o ( not ), yrs ( years ) , s.o ( someone ) … hoặc các bạn có thể tự nghĩ ra các cách viết khác tùy các bạn miễn sao các bạn hiểu là được rồi, nhưng nhớ là khi chuyển sang tờ giấy làm bài thì phải ghi đầy đủ chữ, đúng chính tả ra nhé.

2. Đọc – Reading

Đọc tựa đề của bài đọc xong chuyển sang câu hỏi luôn sau đó tìm đáp án dần trong bài đọc, làm các câu hỏi nhỏ, chi tiết trước khi làm dạng nối chủ đề .

Khi các bạn đọc lướt tìm ý thì các bạn nên chú ý dựa vào các từ khóa của câu hỏi để xác định đúng cái đoạn cần tìm cho nhanh, các từ mà mắt các bạn nên quan tâm đầu tiên thường là: danh từ riêng, số liệu hay 1 từ chuyên ngành nào đấy trong bài đọc. Đặc điểm chung của mấy từ trên là chúng không thay đổi về cách sử dụng nên khá dễ tìm. Sau đó thì các bạn mới nên chú ý đến các tính từ hay động từ, khi tìm thì phải nhớ là họ sẽ sử dụng từ đồng nghĩa hoặc trái nghĩa đấy nhé. Đặc biệt phải lưu ý đến các trợ động từ, ví dụ như: almost, hardly, only, all, every … , bẫy nằm hết ở những chỗ đấy, cực kì nguy hiểm. Các bạn nên dựa vào kiến thức trong bài mà trả lời chứ đừng nên tỏ ra hiểu biết mà đánh theo ý riêng của mình nhé.

dat-ielts-6-5-trong-2-thang-luyen-thi-phan-3 (6)

Khác với phần nghe thì phần này các bạn sẽ không có thời gian chuyển sang tờ giấy đáp án nên trong khi làm bài, các bạn hãy dò đúng thứ tự câu hỏi rồi ghi thẳng luôn vào tờ đáp án, đừng có ghi vào tờ đề làm gì rồi tí nữa chuyển sang lại mất thời gian vì mình phải ghi 2 lần.

=> Quy tắc chung cho cả 2 phần này là đừng nên bỏ qua bất kì 1 câu hỏi nào cả, không biết thì đoán, đoán không được thì cứ ghi bừa vào ( tên bạn chẳng hạn ) chứ đừng nên bỏ trống, bởi vì sai thì không bị trừ điểm mà ngộ nhỡ đúng thì …

3. Viết – Writing

Đây là phần thể hiện rõ nhất phương châm “Tùy cơ ứng biến”. Không hề có mẹo gì ở đây cả, các bạn phải chăm chỉ học từ vựng theo chủ đề, chăm chỉ viết bài và đừng bao giờ học thuộc bài văn mẫu nhé!!!

4. Nói – Speaking

dat-ielts-6-5-trong-2-thang-luyen-thi-phan-3 (5)

Đây là phần thi với thời lượng ngắn nhất (khoảng 10 – 15 phút) nhưng lại là phần đau tim nhất đối với rất nhiều các sĩ tử. Lời khuyên bổ ích với các bạn đó là các bạn hãy cố gắng tỏ ra càng tự nhiên càng tốt, coi như đây là 1 buổi nói chuyện bình thường hàng ngày , mặt mũi đừng lộ vẻ căng thẳng hay lo lắng quá, nói năng trôi chảy, từ từ và vừa phải.

Rất có thể các bạn sẽ thi vào tầm trưa chiều nên có thể sẽ khá buồn ngủ, các bạn nên chuẩn bị tốt ngay từ tối hôm trước bằng cách đi ngủ thật sớm, ngủ thật sâu và dài chứ đừng để lúc đang nói mà … ngáp thì khó đỡ lắm nhá các bạn. Trước khi thi, các bạn nào chu đáo thì có thể uống 1 ngụm nước, hoành tráng thì làm 1 chai Fristi, nhai Double Mint cho thơm miệng, sảng khoái. Vào phòng thi, ngồi xuống lập tức các bạn hãy trấn tĩnh lại tinh thần, hít một hơi thật sâu, nuốt nước bọt vào cổ, đầu hướng thẳng về phía trước, cười tươi như hoa :D, hỏi câu gì chém câu nấy.

Khi vừa vào phòng thi thì các bạn lưu ý là đầu tiên người ta sẽ hỏi tên họ đầy đủ của bạn, câu trả lời của bạn phải thật ngắn gọn : “ My full name is … “ rồi chấm hết chứ đừng nên thêm thắt linh tinh bởi vì lúc này chưa phải lúc bắt đầu giờ thi, họ hỏi chỉ là để xác nhận đây đúng là thí sinh dự thi hay không thôi. Chỉ khi nào giám khảo bật băng ghi âm và giới thiệu : “ This is the IELTS Speaking test number 123456 , the candidate’s name is … , the examiner’s name is … , number 654321 … “ thì mới là lúc chính thức bắt đầu màn “tra tấn” của các bạn, sau câu này người ta lại hỏi lại “ What is your name ? “ thì đây mới là thời điểm các bạn huyên thuyên “My name has a very special meaning …”

Phần 1 của bài thi có thể coi như là phần khởi động, cho các bạn “nóng” lên, các câu hỏi nhìn chung cũng khá đơn giản, không quá phức tạp vì vậy các bạn nên cố gắng làm thật tốt phần này để lấy tinh thần cho 2 phần kế. Vì là những câu hỏi khá thường thức nên trong phần này không nhất thiết lắm các bạn phải đưa những từ vựng đại bác vào, trái lại càng “đường phố ” càng tốt, nhưng nói như thế không có nghĩa là cứ “ I think “ với “ I like “ suốt nhé, mà phải thay đổi nhiều: I reckon, I suppose, I believe, I agree, I am fond of, I enjoy, My interest is , … ; từ vựng trong phần này không cần thiết phải quá khó nhưng cần phải đa dạng và phong phú. Đến phần 2 và 3 mới là lúc tung võ nghệ thật sự ra, không cần nhiều nhưng cần phải chính xác, đúng hoàn cảnh.

dat-ielts-6-5-trong-2-thang-luyen-thi-phan-3 (9)

Các bạn cũng cần nhớ rằng tính chất bài thi là 1 cuộc nói chuyện thông thường, giống như bạn bè nói chuyện hằng ngày với nhau chứ không phải 1 buổi thuyết trình hay diễn thuyết trước đám đông nên hoàn toàn các bạn có thể đưa những từ lòng vào trong bài nói của các bạn.

Sẽ có nhiều bạn đi thi hay bị cạn ý tưởng, nói không hết hoặc có những chỗ ngắt quãng, lúc đó thói quen xấu mà các bạn thường hay làm đó là : ờ, ừm hoặc im lặng => không tốt đâu nhé. Các bạn nên lấp những khoảng trống như vậy bằng các từ lóng, ví dụ như : you know, I mean, actually, in fact, stuff like that, something like that … Ưu điểm của mấy từ này là sẽ làm cho giọng bạn nghe giống người bản xứ hơn và sẽ giúp các bạn ăn điểm cao hơn với điều kiện là các bạn đừng nên lạm dụng nó quá nhiều, hơn nữa cũng nhằm kéo dài thời gian để bạn suy nghĩ ý mà nói tiếp. Mật độ phù hợp là 4 câu 1 từ lóng. Nhược điểm của cái này là thời gian kéo dài lại không được nhiều bởi vì buộc lòng các bạn phải nói rất nhanh mấy từ lóng này để đảm bảo nói giống người nước ngoài.

Xử lí thế nào khi đụng phải các câu hỏi khó?

dat-ielts-6-5-trong-2-thang-luyen-thi-phan-3 (10)

Có 1 kĩ thuật khá hay đó là : hỏi lại giám khảo. Không phải các bạn không nghe rõ giám khảo họ hỏi gì mà là các bạn cảm thấy mình không thể nào nghĩ ngay ra được ý để trả lời, các bạn giả vờ điếc rồi hỏi lại nhằm kéo dài thời gian suy nghĩ hơn.

Cái cách hỏi các bạn cũng cần phải lưu ý: làm sao có thể câu giờ được mà vẫn đảm bảo tính lịch sự. Lỗ mãng nhất là các bạn phản ứng theo thói quen: “What?” => cực kì bất lịch sự đấy nhé. Các bạn cần phải bình tĩnh, nghe xong rồi nhẹ nhàng mà hỏi lại : “I am sorry but could you repeat the question for me?”. Tất nhiên không phải câu hỏi nào các bạn cũng hỏi lại bởi vì nhiệm vụ của bạn là trả lời chứ không phải chất vấn, lạm dụng sẽ khiến cho điểm các bạn tụt xuống đấy nhé. Theo mình chỉ nên sử dụng kĩ thuật này tối đa 2 lần, ông bà ta đã dạy: “Quá tam ba bận” mà.

1 tuyệt chiêu nữa đó là : trả lời thẳng rằng “Tôi không biết” . Cơ sở để hình thành tuyệt chiêu này là dựa vào cách chấm điểm của giám khảo, họ sẽ không chấm dựa trên ý bạn nói mà dựa trên ngôn ngữ bạn phát ra. Vì vậy các bạn có thể trả lời theo cách khác miễn sao vẫn phải đạt được yêu cầu về độ lưu loát, từ vựng, ngữ pháp và phát âm.

Điều này có nghĩa các bạn hoàn toàn có thể nói : “I don’t know” nhưng các bạn phải tìm cách làm sao kéo dài câu trả lời đó ra cho nó trơn tru một chút, ví dụ như thế này : “Actually, this question is beyond my knowledge as I have not discovered about this issue so far. Probably after this test, I will look for more information about this and try to reply to you as soon as possible.” ( Tuyệt vời => chín chấm => vỗ tay => bốp bốp bốp =)) ).

Tuy nhiên các bạn chỉ nên sử dụng nó trong những trường hợp thực sự cần thiết và chỉ nên dùng đúng 1 lần duy nhất mà thôi. Theo Hướng Nghiệp thì thích hợp nhất là vào phần 3, phần 2 thì sống chết gì các bạn cũng phải trả lời được, còn phần 1 thì các câu hỏi không đến nỗi quá khó để dùng tuyệt chiêu này, ví dụ như họ hỏi : “What’s your name?”  mà lại kêu “Câu hỏi này vượt ngoài tầm hiểu biết của tôi” thì thôi không còn gì để nói luôn. :-j

Bây giờ Hướng Nghiệp sẽ chỉ các bạn thêm 1 vài thủ thuật ngôn ngữ cơ thể để gây ấn tượng với giám khảo, mấy cái này thật khó để có thể diễn tả bằng chữ cho các bạn hiểu được nhưng thôi cứ cố gắng hết sức vậy.

1 đặc điểm chết người của các vị giám khảo yêu quý đó là đôi mắt … lửa điện của họ, liên tục bắn vào mặt các bạn không dứt ra làm đa phần các sĩ tử phải tử sĩ nơi sa trường. Nếu các bạn muốn đấu mắt lại thì mình nói rằng đó là việc làm vô ích, cả đời họ đã được rèn luyện cho việc này rồi các bạn à .

Để đảm bảo yêu cầu lịch sự mà vẫn không bị phân tâm bởi giám khảo, các bạn không nên lúc nào cũng nhìn thẳng vào mặt họ khi nói, thỉnh thoảng đầu các bạn lại cúi xuống (thích hợp là 10 độ) , mắt các bạn nhìn vào cổ họ hoặc quay nhẹ hướng sang các khu vực xung quanh, xong ngước lên nhìn vào mặt họ chém thêm vài câu rồi lại cúi xuống, cứ như thế mà làm.

dat-ielts-6-5-trong-2-thang-luyen-thi-phan-3 (11)

Ngoài ra thì đôi tay của bạn cũng cần phải hoạt động, các bạn có thể xoay tay của mình khi đề cập đến các từ lóng, giơ 1 ngón trỏ ra để ra hiệu chuẩn bị nói sang phần khác hay bắt đầu 1 đề tài nào đấy, làm động tác đếm (1 tay lần lượt đưa ra từng ngón và ngón trỏ tay kia cũng theo thứ tự chạm vào các ngón đó) khi các bạn liệt kê hay nêu 1 vài ví dụ nào đấy; tuyệt nhiên các bạn đừng có làm cái trò bẻ tay nhé, giám khảo sợ lắm, không hiểu nên họ có thể tưởng mình bị gãy tay đấy =)), vả lại nó cũng không được lịch sự lắm.

Khi thi xong rồi, giám khảo sẽ ra hiệu kết thúc : “This is the end of your speaking test. Thank you for … . Goodbye”, sau đó tắt băng ghi âm. Câu trả lời của bạn cũng rất đơn giản : “Goodbye” kèm 1 nụ cười xong đứng dậy ra khỏi phòng thi luôn, tuyệt đối đừng có lèm bèm : “ Do you think my performance was good?” hay “Could you tell me my score?” . Mình rất thông cảm với các bạn có tâm trạng lo lắng, sốt ruột sẽ gần như chỉ muốn bật ra câu đấy, tuy nhiên đó lại là một động tác rất chi là dở bởi giám khảo chắc chắn sẽ không thể đưa ra câu trả lời cho bạn, ngược lại sẽ còn ảnh hưởng tâm lí bạn nặng nề hơn.

Hướng Nghiệp đã chia sẻ hết tất cả những kĩ thuật để đối phó khi làm bài thi IELTS, rất mong phần nào sẽ giúp các bạn gặt hái được điểm cao hơn.

học autocad tại lam minh long bình dương
học illustrator tại bình dươn
học báo cáo tài chính doanh nghiệp tại bình dương
TRUNG TÂM TIN HỌC UY TÍN TẠI BÌNH DƯƠNG
Lịch khai giảng Chát Zalo Chát Facebook Google map 0981 550 510