Khi ra trường, đa số sinh viên sẽ gặp phải khó khăn trong quá trình xin việc, bị chèn ép lương hoặc làm trái ngành mặc dù bạn tốt nghiệp loại giỏi tại trường có danh tiếng. Tất cả chỉ vì 1 lý do đơn giản là bạn KHÔNG CÓ KINH NGHIỆM LÀM VIỆC. Có nhiều cách để bạn trau dồi thêm kinh nghiệm liên quan đến chuyên ngành bạn đang học. Các nhà tuyển dụng trông đợi ở các sinh viên sắp tốt nghiệp, hoặc các ứng viên tuyển dụng, những kinh nghiệm thực tế bên ngoài lớp học. Vì vậy, đừng đợi đến khi tốt nghiệp mới bắt đầu xin việc mà hãy tìm cho mình những cơ hội việc làm ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Tuy nhiên, phải làm gì và làm thế nào? Hướng Nghiệp sẽ hướng dẫn bạn làm sao có kinh nghiệm làm việc khi chưa ra trường. Cùng tìm hiểu nhé!
Kiến tập (Externship)
Nội dung bài viết
Kiến tập, cũng như đi học việc được xem là cầu nối giữa việc lựa chọn nghề nghiệp và trải nghiệm việc làm trong môi trường thực tế. Bạn có thể kiến tập ngắn hạn hoặc dài hạn: một vài tiếng cho đến một vài ngày, hay một vài tiếng/tuần trong cả một học kì hay một năm (tương tự như thực tập – internship). Sinh viên kiến tập sẽ có kế hoạch trước khi đến công ty kiến tập để quan sát, học hỏi các tiền bối trong nghề, nắm rõ đặc điểm môi trường làm việc.
Các cá nhân và tổ chức chịu trách nhiệm hướng dẫn sinh viên kiến tập đã cố gắng bớt chút thời gian để cho bạn những trải nghiệm vừa miễn phí vừa quý giá. Bạn sẽ không nhận được phụ cấp hay phải trả tiền để có được những kinh nghiệm đó. Kiến tập hầu hết nhằm giúp bạn hiểu thêm về đặc thù công việc, đặc điểm môi trường làm việc thôi, nhưng nếu bạn tạo được ấn tượng tốt với cá nhân, tổ chức hướng dẫn bạn, đây có thể là cánh cửa mở ra nhiều cơ hội khác nữa (thực tập, hợp tác, việc làm bán thời gian, v.v.). Một số tổ chức có đăng thông tin tuyển sinh viên kiến tập. Tuy nhiên, tự sinh viên phải sắp xếp thời gian kiến tập của mình bằng cách chủ động liên hệ với các công ty hoặc bộ phận nhân sự của công ty. Kiến tập (externship) và học việc (shadowing) có nhiều điểm tương đồng, vậy nên 2 khái niệm này đôi khi được dùng thay thế cho nhau.
Học việc (shadowing)
Cũng giống như kiến tập, học việc là cầu nối giữa lựa chọn nghề nghiệp và trải nghiệm môi trường thực tế. Khi học việc, bạn dành thời gian quan sát, học hỏi, và được hướng dẫn bởi một tiền bối có kinh nghiệm trong nghề. Học việc có thể là trải nghiệm một lần duy nhất kéo dài vài tiếng đồng hồ hoặc một ngày, hoặc cũng có thể đó là trải nghiệm nhiều lần kéo dài trong một khoản thời gian nhất định.
Sinh viên đi học việc không trực tiếp thực hiện công việc vì chưa có bằng cấp, chứng chỉ công nhận năng lực. Sinh viên có thể có mặt trong các lần tương tác, gặp mặt với khách hàng, bệnh nhân nên phải có hành vi ứng xử chuyên nghiệp. Sinh viên y khoa thường phải đi lâm sàng tại các cơ sở y tế, quan sát kĩ thuật viên, bác sĩ vật lý trị liệu, hay các chuyên gia y tế để học hỏi cách thăm bệnh của họ.
Sinh viên có thể tham gia học việc ở bất kì môi trường nào, miễn sao được sự cho phép của cấp quản lý và không xâm phạm đến các quy định bảo mật của cơ sở sinh viên đến học việc.
Nếu muốn shadowing, bạn cần chủ động liên lạc với quản lý của công ty, hoặc giáo sư để xin phép được tham gia quan sát, học hỏi. Những người có kinh nghiệm chuyên môn như thế không cần phải đăng thông tin tuyển sinh việc học việc, và họ cũng không được hưởng thêm lợi lộc gì ngoài niềm vui được giúp đỡ những đồng nghiệp tiềm năng trong tương lai.
Thực tập (Internship)
Thực tập thường kéo dài trong một học kì và phổ biến vào mùa hè. Thực tập sinh có thể được trả lương hoặc không, làm toàn thời gian hoặc bán thời gian, trong một số trường hợp thì thực tập còn được quy thành số tín chỉ môn học, tuy nhiên những yếu tố này thay đổi tùy thuộc vào ngành học và công ty tuyển dụng.
Yêu cầu đối với thực tập sinh ở mỗi công ty thì không giống nhau. Một số công ty có mở chương trình thực tập cho sinh viên năm nhất, một số khác đòi hỏi trình độ chuyên môn cao hơn. Tuy nhiên, bạn phải lưu ý rằng số tín chỉ môn học được tính trong kì thực tập phải được xác nhận bởi khoa của bạn, và được quy thành học phí. Bạn phải nắm rõ những cơ hội cũng như yêu cầu của khoa.
Nếu thời gian thực tập của bạn ít nhất là 32 tiếng/tuần (trả lương hoặc không), đáp ứng được những yêu cầu khác của nhà tuyển dụng, và bạn là sinh viên còn đang đi học, có khi bạn sẽ được tham gia vào Chương trình Hợp tác Giáo dục và Thực tập. Lúc này, bạn vẫn được xem là sinh viên, nhưng bạn không đi học để tích lũy tính chỉ, nhưng bạn cũng không phải trả tiền học phí cho những giờ học theo tín chỉ này.
Hợp tác Giáo dục
Hợp tác Giáo dục thường là những chương trình toàn thời gian, là cam kết có thời hạn trong một vài học kì với một tổ chức nào đó. Chẳng hạn như, sau khi kết thúc năm thứ hai Đại học, bạn làm cho một công ty nào đó trong mùa hè, rồi cả mùa thu, mùa xuân năm sau nữa. Bạn có thể chuyển sang phòng ban khác, hoặc tham gia một dự án khác thuộc công ty bạn quản lý. Tuy nhiên, bạn cũng nên lưu ý rằng, một số công ty dùng cụm từ “Hợp tác” để chỉ những công việc khác, vậy nên phải đọc thật kĩ mô tả công việc ở vị trí này.
Tình nguyện
Đây có thể là bước đệm đầu tiên để bạn tham gia vào một tổ chức hoặc một lĩnh vực chuyên môn nào đó. Công việc tình nguyện bạn có thể tự làm một mình, hoặc dưới tư cách là thành viên của một câu lạc bộ, một tổ chức tình nguyện.
Tham gia các công việc tình nguyện sẽ giúp bạn phát triển các kĩ năng và trau dồi thêm kinh nghiệm, những điều sau này bạn có thể đưa vào sơ yếu lý lịch (CV) của mình để gây ấn tượng với người đọc. Do đó, đây cũng chính là một nấc thang đưa bạn đến những trải nghiệm mới mẻ khác. Các chương trình tình nguyện mới mẻ, có ý nghĩa luôn là một điều tốt bạn nên cân nhắc tham gia.
Trong công tác tình nguyện luôn có những giá trị hàm ẩn mà chỉ những ai tham gia mới hiểu được. Các nhà tuyển dụng cũng đánh giá cao những giá trị này, vì thời gian và công sức bạn bỏ ra để giúp đỡ người khác. Công việc tình nguyện có thể kéo dài một học kì, một năm, hoặc lâu hơn. Một tuần làm khoảng vài tiếng, và nó sẽ cho bạn những trải nghiệm quý giá không kém gì khi đi thực tập. Tuy vậy, điều này cũng phụ thuộc vào lĩnh vực bạn chọn, đặc thù và giới hạn công việc của bạn.
Đi thực tế
Khoa sẽ thường tổ chức cho sinh viên đi thực tế, được quy thành tín chỉ môn học, và cũng tùy thuộc vào chuyên ngành mà bạn có được đi thực tế hay không. Tốt nhất bạn nên đến văn phòng khoa để hỏi liệu đi thực tế có nằm trong chương trình đào tạo của ngành bạn hay không.
Đi thực tế sẽ cho bạn những trải nghiệm chân xác nhất trong môi trường làm việc của ngành học bạn chọn. Thêm vào đó, có thể bạn sẽ phải viết bài thu hoạch hoặc làm bài tập sau khi đã được quan sát thực tế.
Một số ngành học mà sinh viên có thể được đi thực tế bao gồm: Phát triển Con người, Quản lý Nhà hàng – Khách sạn, Thiết kế Nội thất, Tiếng Anh, Địa lý, Khoa học Chính trị, Xã hội học, v.v.
Nghiên cứu khoa học
Nghiên cứu cái gì?
Thông thường bạn sẽ làm việc một – một với một thầy, cô ở trong khoa, và nghiên cứu này có thể được tính điểm trong chương trình học. Bây giờ ngày càng nhiều cơ hội quan trọng, được công khai trong trường mà bạn có thể xem ở trang web của khoa, trường bạn đang theo học. Ngoài ra, các tổ chức ngoài nhà trường, như các trung tâm nghiên cứu, cũng hoan nghênh sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học.
Làm thế nào để nắm bắt cơ hội?
Các giáo sư trong trường có thể sẽ đăng thông tin về các cơ hội cho sinh viên nghiên cứu khoa học, nhưng bạn cũng đừng thụ động đợi thông báo. Nếu bạn cảm thấy hứng thú với lĩnh vực nghiên cứu của giáo sư, hãy đến gặp họ và đặt vấn đề.
Ngoài ra, đừng quên trang web của khoa và của trường. Đây là nguồn thông tin chính thống và có mô tả chi tiết các cơ hội dành cho sinh viên.
Các tổ chức ngoài nhà trường: Các trung tâm nghiên cứu (độc lập hoặc liên kết với các trường đại học, Chính phủ, các tổ chức phi Chính phủ, hay các tổ chức hoạt động vì lợi nhuận) đều có những cơ hội cho sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học. Hãy tham khảo thông tin tại khoa, và nắm lấy cơ hội để tìm hiểu chuyên sâu về những giá trị học thuật làm bạn hứng thú.
Tại sao nghiên cứu khoa học lại quan trọng?
Những ai đang cân nhắc đến việc học tiếp cao học nên tham gia nghiên cứu khoa học sinh viên. Tuy vậy, không có nghĩa là những bạn không học cao học thì không cần để ý đến mục này. Nghiên cứu khoa học sẽ cho bạn những bài học quý giá lắm đấy.
Lĩnh vực nghiên cứu
Tuy thông thường các cơ hội nghiên cứu đều dành cho sinh viên các ngành khoa học tự nhiên, kĩ thuật, nhưng sinh viên các ngành khoa học xã hội và nhân văn vẫn hoàn toàn có thể thực hiện nghiên cứu khoa học.
Đi làm bán thời gian
Công việc làm thêm bán thời gian đôi khi cũng là một cách để học hỏi kinh nghiệm. Đây có thể chẳng phải là những công việc của thực tập sinh hay các sinh viên tham gia dự án Hợp tác Giáo dục, nhưng chúng vẫn cho bạn những bài học liên quan đến lĩnh vực bạn theo đuổi, những kĩ năng bạn muốn phát triển, và tinh thần trách nhiệm trong công việc. Đây sẽ là bước đệm để bạn cạnh tranh tốt hơn khi nộp hồ sơ xin thực tập.
Tham gia vào các tổ chức cộng đồng và Trau dồi kĩ năng lãnh đạo
Kĩ năng lãnh đạo được thể hiện thông qua việc làm của bạn ở các tổ chức cho sinh viên hay các tổ chức vì cộng đồng sẽ được các nhà tuyển dụng đánh giá khá cao, và được xem là minh chứng cho năng lực của bạn trong một số lĩnh vực nghề nghiệp. Tuy nhiên, không nhất thiết bạn phải là chủ tịch của một tổ chức mới được xem là lãnh đạo. Có thể bạn là người tuyển dụng các tình nguyện viên, hoặc chủ nhiệm một tổ chức gây quỹ, biên kịch cho một chương trình, sự kiện, hoặc quản lý tài chính của tổ chức bạn tham gia. Điều quan trọng là bạn đã làm được những gì và bạn đã có được, phát triển được những kĩ năng gì thông qua những công việc đó. Hãy chú ý vào chiều sâu, tham gia vào tổ chức với một tinh thần trách nhiệm cao, chạy chương trình, dự án, hoặc làm một thành viên tích cực. Đừng tham gia chỉ vì cái danh. Khi bạn chỉ ghi bạn là “thành viên của tổ chức” trên CV, điều đó trông không thật sự thuyết phục đâu.
Tóm lại, có rất nhiều con đường bạn có thể đi để tích lũy kinh nghiệm cho bản thân trong khi vẫn còn đang đi học. Tùy vào ngành học, khả năng, và đam mê của mình mà bạn nên cân nhắc chọn những công việc phù hợp để phát triển và hoàn thiện bản thân bạn nhé. Và hãy nhớ, chẳng bao giờ là quá sớm, cũng chẳng bao giờ là quá muộn để bạn trải nghiệm và học hỏi.
Bản Vẽ Nhà: Hướng dẫn chi tiết cách đọc và hiểu đúng
Bản vẽ nhà là một phần không thể thiếu trong quá trình thiết kế và [...]
Nắm vững cách đọc bản vẽ kết cấu: Mẹo và phương pháp hiệu quả
Bản vẽ kết cấu đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình xây [...]
Bí kíp đọc bản vẽ xây dựng: Tự tin HIỂU RÕ mọi chi tiết công trình
Bản vẽ xây dựng là ngôn ngữ trực quan của ngành xây dựng, giúp truyền [...]
Ứng dụng IoT trong sản xuất: Tối ưu hóa HIỆU QUẢ và NĂNG SUẤT
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, IoT – Internet of Things đang trở [...]
Công nghệ CAD/CAM/CNC: Tối ưu hóa quy trình thiết kế và gia công
Trong thế giới công nghiệp hiện đại, hiệu quả và chính xác là hai yếu [...]
Tối ưu hóa quy trình sản xuất với phần mềm ERP hiện đại
Trong bối cảnh công nghiệp 4.0, việc áp dụng các giải pháp công nghệ tiên [...]
Quy trình an toàn lao động trong xây dựng: Bảo vệ tính mạng và hiệu suất
Xây dựng là một trong những ngành công nghiệp nguy hiểm nhất với nhiều yếu [...]
An Toàn Lao Động Trong Sản Xuất: Nguyên Tắc Cơ Bản và Giải Pháp Hiệu Quả
An toàn lao động trong sản xuất là một trong những yếu tố then chốt [...]