Một lần tôi tới chơi nhà Susan, đang ngồi nói chuyện thì Susan có điện thoại. “David để quên cuốn vở bài tập ở nhà. Nó nhờ tôi mang tới trường cho nó”. Rồi Susan hỏi tôi có muốn cùng bà đi bộ tới trường của David không. “Trường cách đây bao xa?”, tôi hỏi. “Đi bộ mất khoảng 20 phút”.
Trên đường đi, tôi hỏi Susan: “Tôi chắc chắn rằng David là một đứa bé rất tự tin và tự lập. Nhưng bà có nghĩ rằng giúp đỡ nó như thế này thì có chiều nó quá không?”. Susan trả lời: “David là một đứa trẻ ngoan. Hôm nay nó quên cuốn vở, tôi cũng đang rỗi rãi thì tôi sẽ mang tới cho nó”. “Nhưng bà có nghĩ rằng làm như vậy nó sẽ ỷ lại không?” “Không, chúng ta ai chẳng có lần quên cái này cái kia. Tôi dám chắc rằng David chẳng muốn bị quên vở tí nào”.
“Nhưng nếu nó không chỉ quên lần này, mà còn quên thêm hai, ba lần nữa thì sao? Liệu bà còn mang vở đến cho nó không?” “Nếu lúc đó tôi rỗi, thì tôi vẫn có thể mang tới cho nó”. “Tôi không hiểu. Sao bà không dạy David một bài học, nói rằng: “Đây là lần thứ ba con quên vở rồi. Mẹ không thể lần nào cũng mang đến cho con. Con chịu khó bị điểm kém một lần đi, để mà con nhớ”. Susan cười cười, lắc đầu: “Không. Trong gia đình tôi, chúng tôi không làm như vậy. David cần sự giúp đỡ. Nếu lúc đó tôi không bận việc gì thì tôi có thể cũng như lần này đi bộ đến đưa cho nó. Đó là giá trị của gia đình phải không nào?”.
“Tôi thật sự không hiểu nổi, điều đó trái với tất cả những gì tôi biết về dạy con tự lập!”.
Susan giờ mới hiểu ra tại sao tôi cứ hỏi kỹ chuyện mang vở cho David như vậy. Xốc lại chiếc áo khoác, Susan gạt tóc đang bay lòa xòa trước mặt: “Tôi nói đó là “khi tôi rỗi”. Còn nếu tôi cũng đang bận việc của mình, tôi mệt, hoặc trời quá nhiều tuyết, thì tôi sẽ đành phải nói với David rằng: “Mẹ xin lỗi, nhưng hôm nay mẹ cũng đang rất bận việc, không thể tới chỗ con được. Con nói lời xin lỗi cô giáo nhé và xem có thể làm gì để bù đắp không”. Vừa lúc chúng tôi tới trường của David, David chạy xuống các bậc cầu thang, lao ra phía cổng trường. “Cảm ơn mẹ rất nhiều. Con yêu mẹ nhiều” rồi cậu chạy lại vào trong lớp.
Lúc quay đầu về nhà, Susan bảo thêm tôi: “Nếu David quả là có sự lơ đễnh “bác học” và liên tục quên, thì tôi sẽ cùng con ngồi lại xem nguyên nhân vì sao. Có phải vì David cứ đi ngủ trước để đến sáng ra mới cuống cuồng cho sách vở vào cặp không? Hay vì các cuốn vở màu sắc quá giống nhau nên David mang nhầm? Thế thì phải ra Office Depot mua nhãn vở nhiều màu sắc về dán rồi”.
Lúc đó, tôi chợt nhận ra, bà mẹ Mỹ này “cứng tay” hơn tôi tưởng rất nhiều.
Tôi dám chắc rằng bà luôn để con tự lập, tự thân vận động, chính vì thế mà David rất nhanh nhẹn và hoạt bát. Nhưng bà cũng không vì “để con tự lập” mà dằn giọng: “Con phải chịu hậu quả để mà nhớ lấy bài học này”. Nếu bà có thể giúp, bà sẽ giúp. Nếu bà không thể giúp thì bà cũng đành buồn lòng mà nói với David như vậy. Bà không nỗ lực quá đà, bỏ bê công việc của mình hay “hy sinh” lao ra ngoài trời tuyết, nhưng David vẫn biết rằng mẹ quan tâm đến cậu, chỉ có điều trong hoàn cảnh như vậy, mẹ không thể giúp. Cậu bé David có thể hôm đó sẽ phải xin lỗi cô giáo hay bị điểm kém, bên cạnh việc học được bài học về hậu quả của sự đãng trí, cậu cũng vẫn ấm lòng rằng cậu luôn có mẹ, có gia đình ở bên. Cậu bé David luôn được mẹ nhắc đến với bản chất tốt, “ngoan”, “nó cũng không muốn bị quên vở như thế”. Và khi Susan để ý con có thể bị tính “đãng trí” ảnh hưởng quá nhiều, bà sẽ cùng con ngồi thảo luận và tìm ra giải pháp để con không quên nữa.
Cách dạy con của Susan rất khác với sự dạy con tự lập một cách cứng nhắc như là “để nó chịu hậu quả thì nó mới học được”. Nó rất khác với việc “nghĩ hộ con” – hằng ngày đốc thúc, nhắc nhở để con khỏi quên. Nó cũng rất khác với việc hy sinh thân mình để giúp con trong im lặng. Nó cũng rất khác với việc hậm hực giúp con sau một hồi mắng con “cẩu thả”, “ích kỷ”, “dựa dẫm”…
Những gì tôi học được từ Susan thực sự rất ý nghĩa. Nó giải phóng những ông bố bà mẹ như tôi khỏi nỗi sợ “làm hư con”, “nuông chiều con”. Nó nhắc nhở về sự gần gũi, thân mật, hỗ trợ trong gia đình. Hóa ra cách dạy con của người Mỹ có rất nhiều điểm tương đồng với bản tính yêu thương con tự nhiên của người Việt Nam. Dạy con tự lập không có nghĩa là gạt đi tình yêu với con. Mà thực ra họ để con tự lập và vừa yêu thương con, chỉ dẫn con đúng cách. Để làm được như vậy, chính bố mẹ cũng phải hoàn thiện mình, là con người hiểu biết, có đạo đức để có thể hướng dẫn con đúng đắn.
Ở Việt Nam, những người sinh ra ở lứa tuổi 7x, 8x đã quá ngán sự bao bọc của bố mẹ nên khi sinh ra những đứa con đầu tiên, cùng lúc những tư tưởng dạy con tự lập của phương Tây tràn vào, những ông bố bà mẹ trẻ nhanh chóng học hỏi, nhưng do hạn chế thông tin và thực tế nên nhiều người hình thành tư tưởng cực đoan khi dạy con tự lập. Mỗi lần định dạy gì con là rất “rón rén” vì sợ làm con phụ thuộc. Sau một vài lần nhắc nhở là họ phó mặc vào “hậu quả”, hy vọng “hậu quả” sẽ dạy con và làm con thay đổi. Trong khi đó, cái cần làm không đơn thuần là hậu quả, mà là dạy con cách làm, cùng thảo luận với con cách nghĩ, cùng tìm giải pháp… Khi con hay có lựa chọn ăn uống không tốt cho sức khỏe như chỉ thích uống nước ngọt, ăn đồ béo ngậy, thì mẹ không chỉ nói với con “ăn thế thì béo đấy” hay ép con “phải ăn nhiều rau vào” mà có thể cùng con nấu những món ngon bổ dưỡng, cùng học về dinh dưỡng. Khi con lúng túng với khoản tiền đầu tiên và đầu tuần tiêu hết quá nhanh đến cuối tuần không còn lại gì, thay vì chỉ để con tự hiểu được cảm giác bất lực vì không biết quản lý chi tiêu, bố mẹ có thể dẫn cho con xem cuốn sổ ghi chép chi tiêu hằng ngày của gia đình, để con học được cách quản lý tài chính.
Chính cách dạy tưởng chừng như “không để con tự lập” đó lại dạy con để con không chỉ là một người tự lập, mà là một người tự lập thông thái, đầy bản lĩnh và xúc cảm.
Bản Vẽ Nhà: Hướng dẫn chi tiết cách đọc và hiểu đúng
Bản vẽ nhà là một phần không thể thiếu trong quá trình thiết kế và [...]
Nắm vững cách đọc bản vẽ kết cấu: Mẹo và phương pháp hiệu quả
Bản vẽ kết cấu đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình xây [...]
Bí kíp đọc bản vẽ xây dựng: Tự tin HIỂU RÕ mọi chi tiết công trình
Bản vẽ xây dựng là ngôn ngữ trực quan của ngành xây dựng, giúp truyền [...]
Ứng dụng IoT trong sản xuất: Tối ưu hóa HIỆU QUẢ và NĂNG SUẤT
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, IoT – Internet of Things đang trở [...]
Công nghệ CAD/CAM/CNC: Tối ưu hóa quy trình thiết kế và gia công
Trong thế giới công nghiệp hiện đại, hiệu quả và chính xác là hai yếu [...]
Tối ưu hóa quy trình sản xuất với phần mềm ERP hiện đại
Trong bối cảnh công nghiệp 4.0, việc áp dụng các giải pháp công nghệ tiên [...]
Quy trình an toàn lao động trong xây dựng: Bảo vệ tính mạng và hiệu suất
Xây dựng là một trong những ngành công nghiệp nguy hiểm nhất với nhiều yếu [...]
An Toàn Lao Động Trong Sản Xuất: Nguyên Tắc Cơ Bản và Giải Pháp Hiệu Quả
An toàn lao động trong sản xuất là một trong những yếu tố then chốt [...]