“Cuộc chiến” ngành nghề

Nỗi khổ lớn của học sinh khi chọn nghề là phải theo nghề mình không yêu thích vì sự ép buộc của bậc sinh thành, hoặc có khi đơn giản chỉ vì: “Nghề đó dễ tìm được việc làm!”.

 Lạc đường vì cha mẹ

Tôi từng tiếp xúc với nhiều trường hợp bạn trẻ đau khổ vì chọn nghề theo yêu cầu của cha mẹ. Một bạn nam đã 27 tuổi, ngày xưa đam mê ngành công nghệ thông tin nhưng cha mẹ của bạn đều làm tại trung tâm y tế và buộc bạn phải học ngành y để cha mẹ dễ sắp xếp chỗ làm. Đấu tranh mãi không được, cuối cùng bạn đành chiều ý gia đình. Vật vã mấy năm mới tốt nghiệp ra trường với tấm bằng trung bình, anh chàng chán nản không muốn đi làm ở cơ quan của cha mẹ, ở nhà suốt ngày chơi game, lướt net.

Một học sinh lớp 12 viết thư tâm sự: “Ba mẹ em đi đâu cũng nói sẽ cho em học quản trị kinh doanh, nhưng ba mẹ lại không để ý là em chẳng hề thích ngành ấy tí nào. Em chỉ thích học ngành sư phạm Văn, trở thành một giáo viên đứng lớp. Em xin ba mẹ cho thi một lúc cả hai ngành quản trị kinh doanh và sư phạm, mẹ bảo làm vậy sẽ bị phân tán thời gian và phí công sức. Ngay sau đó, tất cả các sách tham khảo cũng như tài liệu về khối C của em cũng bỗng dưng biến mất. Ba mẹ còn thống nhất, vào ngày thi khối C sẽ đóng cửa để em không tới được trường thi. Áp lực từ phía ba mẹ còn khủng khiếp hơn là việc thi cử. Em phải làm sao đây?”

 Tam giác chọn nghề

Muốn có một nghề nghiệp hợp lý nhất, phải thỏa mãn cả ba đỉnh của tam giác chọn nghề nhưng thông thường, cha mẹ bắt ép con chỉ vì một tiêu chí duy nhất là cơ hội nghề nghiệp mà không tính đến những yếu tố quan trọng khác.

Đỉnh thứ nhất mang tên đam mê. Muốn sống chung trọn đời với nghề nghiệp, muốn có động lực để rèn luyện chuyên môn thì phải có sự yêu thích.

Đỉnh thứ hai mang tên năng lực. Đó chính là năng khiếu, khả năng đầu vào.

Đỉnh thứ ba là cơ hội nghề nghiệp. Đầu tiên là cơ hội việc làm hoặc tự tạo việc làm. Những ngành nghề xã hội cần lao động sẽ có nhiều cơ hội tìm việc. Tuy nhiên, những ngành ấy cũng sẽ có rất nhiều thí sinh thi vào. Một cái chậu có 10 con cá và một cái chậu có hai con cá, hãy chọn lựa một cách khôn ngoan.

Tuy nhiên, đây không phải yếu tố tiên quyết, vì dù không phải ngành “hot” nhưng nếu thật sự giỏi, các em vẫn có thể thành đạt.

 Cha mẹ nên làm gì?

Trong mắt chúng ta, con cái luôn bé nhỏ, khờ dại và nông cạn. Tuy nhiên, những chuyện cả đời thế này, cha mẹ nên trao quyền quyết định cho con cái và chúng sẽ phải tự chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Đôi khi chúng ta có tầm nhìn về cơ hội việc làm, nhưng chính đứa trẻ sẽ biết được chúng yêu thích cái gì, phù hợp với cái gì.

Nói như thế không có nghĩa là cha mẹ bỏ rơi con cái trong giai đoạn quyết định này, mà nên là những nhà tư vấn cho con, chỉ cho con thấy con đường nào sáng, con đường nào tối, để chúng có thêm thông tin mà ra quyết định.

Mỗi người chỉ có một cuộc đời để sống, đừng làm con mình lạc lối, để từ đó tạo ra những con người thiếu lửa, tạo nên một xã hội thiếu lửa. Cha mẹ phải là người đồng hành, chứ không quyết định thay.

 Bí kíp cho con

Trong trường hợp cha mẹ ép buộc chúng ta thi một ngành nào đó, ta không nên nóng vội mà cần phải suy nghĩ ba bước sau:

a) Ba mẹ sống lâu hơn mình, cũng khá hiểu mình. Hãy xem lời ba mẹ khuyên có lý hay không? Nếu có lý và ngành của ba mẹ gợi ý cũng phù hợp, mình cũng có chút hứng thú thì nên tôn trọng ý kiến ba mẹ. Nếu ngành ấy thật sự hợp thì tình cảm có thể nảy sinh sau.

b) Nếu bạn không muốn chọn ngành ba mẹ chỉ định mà muốn theo đuổi con đường của mình nhưng ba mẹ kiên quyết không cho, bạn nên suy nghĩ những phương án dung hòa. Chẳng hạn, bạn thích dược, ba mẹ muốn bạn học kinh doanh, bạn có thể làm trình dược viên, kinh doanh thuốc….

c) Nếu gợi ý của ba mẹ hoàn toàn không phù hợp với năng khiếu của bạn, bạn cũng không yêu thích ngành này mà tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống ở một ngành nghề khác; bạn cũng đã tìm hiểu rất kỹ và chắc chắn điều đó, bạn nên tìm cách thuyết phục ba mẹ.

 Cách 1: Thuyết phục bằng lý

Muốn chữa bệnh thì phải bắt đúng nguyên nhân. Hãy tìm ra lý do vì sao ba mẹ muốn bạn theo ngành đó. Nắm được nguyên nhân, hãy thuyết phục bằng các luận cứ chắc chắn.

 Cách 2: Thuyết phục bằng tình.

Bạn không thể nào sưởi ấm người khác nếu không phải là cái lò sưởi. Bạn phải thật sự tin tưởng vào quyết định của mình, thể hiện một cách mãnh liệt khao khát của bản thân. Chính ngọn lửa trong lòng bạn cũng sẽ khiến ba mẹ phải nghiêm túc lắng nghe.

 Cách 3: Tìm kiếm đồng minh

Anh chị trong nhà, cô dì, chú bác, ông bà, thậm chí giáo viên chủ nhiệm sẽ là những đồng minh có tiếng nói nặng ký. Đặc biệt, hãy nhờ một người đang làm trong nghề ấy, thẩm định giúp bạn sự tương thích với nghề để trở thành đồng minh giúp bạn thuyết phục ba mẹ thành công.

ThS NGUYỄN HOÀNG KHẮC HIẾU 

 (Khoa Tâm lý giáo dục, ĐH Sư phạm TP.HCM)

Nguồn: phunuonline.com.vn

học autocad tại lam minh long bình dương
học illustrator tại bình dươn
học báo cáo tài chính doanh nghiệp tại bình dương
TRUNG TÂM TIN HỌC UY TÍN TẠI BÌNH DƯƠNG
Lịch khai giảng Chát Zalo Chát Facebook Google map 0981 550 510