Quên dạy con xài tiền

TT – Một ngày không nhân dịp gì cả, con gái Nina của tôi đi học mang về cái cài tóc dạng băngđô có đính nơ kiểu trẻ con, nói con mua tặng mẹ. 

Tôi thấy vui, chụp hình khoe lên mạng, nhận được vô số like và “còm” khen con bé đáng yêu, tôi là bà mẹ hạnh phúc…

Tôi quên mất việc hỏi con đã mua cái cài tóc đó bao nhiêu tiền, tiền ở đâu ra. Vì từ lúc Nina vô lớp 1 cũng là lúc hằng ngày được ba cho tiền xài vặt ở trường. Bao nhiêu một ngày, thú thật tôi cũng không bận tâm lắm.

Nina giống tính mẹ, nên thích mua linh tinh và mau chán. Đó là nhận xét vui vẻ âu yếm của tôi khi con tha về nhà mấy món lặt vặt này nọ. Lúc thì cái ví đầm nhỏ xíu bằng vải tua rua màu hồng “quê không chịu nổi”. Hôm thì cuốn tập nhỏ dạng sổ tay, có khóa cài và một cái chìa bé xíu “làm kiểng”.

Đương nhiên, thường xuyên nhất là mấy món đồ chơi kiểu miếng dán decal, mớ hình sưu tầm này nọ. Đúng là bọn trẻ con! Tôi trông thấy thì lắc đầu cười, nghĩ đơn giản vui vui thế thôi.

Tết năm trước, khi con học lớp 2, tôi dặn con đừng quăng bao lì xì tứ tung, uổng lắm, có gì thì gom lại đưa cho mẹ. Tối mồng một, con đưa cho tôi một nắm bao đỏ rỗng, vô tư giải thích khi mẹ tròn mắt hỏi, rằng tiền Nina đã cho heo ăn, mẹ dặn con đưa bao lì xì thôi mà, chứ đâu phải đưa cả tiền trong đó?!

Câu chuyện tưởng chừng vô tư ấy được hỉ hả kể trong nhà với ý khoe rằng Nina bắt đầu “khôn” ra nhiều, biết lách luật với mẹ rồi cơ đấy. Ai nấy nghe xong đều vui vẻ cười, xoa đầu khen Nina đáo để, dễ thương.

Con gái được mẹ sắm cho con heo đất xinh đẹp, có “nút” ở bụng, mục đích là không cần phải “tan da nát thịt” thì vẫn có thể thu hoạch chú heo ấy.

Sau một thời gian dài, sờ tới cái ống heo của con tôi vô cùng ngạc nhiên khi nó chẳng mập được bao nhiêu. Con gái giải thích thi thoảng con có lấy ra một ít để mua đồ ở trường. Có lúc con mua quà cho mẹ nữa đó, mẹ nhớ không!

Tôi giật mình nhận ra mình chưa dạy con ý nghĩa của cụm từ “không được tự ý”, phải xin phép ba mẹ khi muốn xài tiền. Nina đã có ý thức sở hữu sớm vậy hay sao, coi heo đất là tài sản riêng, muốn làm gì thì làm?

Sau lần đấy, tôi chú ý nhắc con không được lấy tiền ra mua bán vớ vẩn nữa, phí phạm lắm. Nina “dạ” rất ngoan.

Một lần sau đó, tôi đến lớp học thêm đón con, thấy 2-3 đứa bạn học của con tiến đến gần trước thái độ có phần luống cuống của Nina. Một cô bé can đảm lên tiếng:

– Nina trả tiền cho mình đi chứ, không là mình mách mẹ bạn đấy!

Không cần cô bé phải mở lời, tôi đã quay sang hỏi rõ xem có chuyện gì. Thì ra hôm nay bạn của Nina quyết định “đòi nợ công khai”, nhằm lấy lại số tiền mà Nina mượn. Tôi chới với khi biết con gái đang là “chúa chổm” trong lớp với nhiều món vay năm ngàn, mười ngàn, cá biệt có món hơn hai mươi ngàn.

Tối hôm ấy, tôi đã tra khảo xem Nina nợ tất cả những bạn nào, bao nhiêu tiền. Tôi nghẹn ngào phạt con trong nỗi thất vọng và sợ hãi của người làm mẹ.

Mới 10 tuổi, con gái tôi đã nhập nhèm về tiền bạc đến thế này ư? Nina có thể vay mượn để tiêu xài bất chấp khả năng chi trả đến mức đó sao? Tôi thật không khỏi bàng hoàng. Cả ba bé cũng vậy.

Sau khi đưa Nina một số tiền để giải quyết chuyện đã rồi, hai vợ chồng tôi đã thay nhau phân tích, dạy dỗ lại con về cách sử dụng đồng tiền sao cho hợp lý… Đồng thời vô cùng nghiêm khắc răn con không được tái phạm những chuyện tương tự.

Câu chuyện ấy xảy ra đã khá lâu, giờ kể lại tôi vẫn không quên được cảm giác bất ngờ và xấu hổ của bà mẹ có con bị bạn bè đòi nợ ở nơi công cộng hôm đó. Vợ chồng tôi đã nghiêm túc coi lại việc dạy con xài tiền, một vấn đề mà bản thân vô tình xem nhẹ, dẫn đến những hệ quả xấu.

Dù trễ, nhưng may thay Nina cũng hiểu ra và thay đổi tâm tính khá nhiều, biết tiếp thu và có kế hoạch rõ ràng hơn về việc chi tiêu. Những kiến thức về dạy con trong mảng này chắc hẳn các ông bố bà mẹ chúng ta không thiếu, mà chỉ vì đôi khi lơ là, dẫn đến phải hối tiếc.

HOÀNG MY

học autocad tại lam minh long bình dương
học illustrator tại bình dươn
học báo cáo tài chính doanh nghiệp tại bình dương
TRUNG TÂM TIN HỌC UY TÍN TẠI BÌNH DƯƠNG
Lịch khai giảng Chát Zalo Chát Facebook Google map 0981 550 510